MỤC TIÊU VÀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRƯỜNG TRUNG CẤP KINH TẾ BÌNH DƯƠNG ĐẾN NĂM 2025
Căn cứ Nghị quyết số 174/NQ-HĐT ngày 12/11/2020 của Hội đồng Trường TC Kinh tế Bình Dương nhiệm kỳ 2020 - 2025 thông qua trong kỳ họp thứ I, đã xác định rõ mục tiêu phát triển Trường đến 2025, đồng thời cũng đề ra các chiến lược và giải pháp phát triển
 17-07-2021  | Nguyễn Minh Tâm

MỤC TIÊU CHUNG:

 

Trường Trung cấp Kinh tế Bình Dương đào tạo các nghề ở cấp trình độ trung cấp, sơ cấp và dưới 3 tháng, liên thông, liên kết, hợp tác đào tạo,.. nhằm cung cấp cho tỉnh Bình Dương và cả nước một đội ngũ cán bộ kỹ thuật trình độ trung cấp có năng lực chuyên môn cao và phẩm chất đạo đức tốt, có khả năng thích ứng với việc làm trong xã hội, góp phần đắc lực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương và của cả nước.

03 quan điểm phát triển Trường Trung cấp Kinh tế Bình Dương, gồm:

Thứ nhất, “Phát triển Trường Trung cấp Kinh tế Bình Dương phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội”. Trường Trung cấp Kinh tế Bình Dương là trường được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội giao thực hiện nhiệm vụ đào tạo các nhóm nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp; đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và thị trường lao động của tỉnh, đặc biệt là những ngành nghề mới phát sinh mà các cơ sở ngoài công lập chưa hoặc không tham gia.

 Thứ hai, “Mở rộng hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp khác để phát triển”.  Trường ở vị trí đầy tiềm năng, nằm ở cửa ngõ đi về trung tâm thị xã Bến Cát, huyện Bàu Bàng, huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh; là điểm tiếp giáp với thành phố Thủ Dầu Một và nằm trên trục Đại lộ Bình Dương, rất thuận lợi trong giao thương nên phải sẵn sàng hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các cơ sở GDNN khác trong tỉnh để phát triển.

Thứ ba, “Quản lý trường một cách năng động và hiệu quả, khai thác và sử dụng tốt các nguồn lực để phát triển trường”. Ban giám hiệu phải tuyệt đối đoàn kết, xây dựng cho bằng được một tập thể Trường Trung cấp Kinh tế Bình Dương cùng đồng tâm hiệp lực thực hiện nhiệm vụ, hướng đến sự ổn định, phát triển của nhà trường trong thời gian tới.

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRƯỜNG TRUNG CẤP KINH TẾ BÌNH DƯƠNG ĐẾN NĂM 2025

1. Chiến lược phát triển đào tạo

Mục tiêu: Đào tạo lao động kĩ thuật chất lượng có năng lực thực hành nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, có sức khoẻ; lao động sáng tạo, có năng lực hợp tác, năng lực tự học, ngoại ngữ và tin học nhằm tạo điều kiện cho người học nghề sau khi tốt nghiệp có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Giải pháp:

  • Đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường. Tất cả cán bộ, công nhân viên của trường đều có trách nhiệm và được huy động trong các hoạt động phục vụ đào tạo.
  • Phát triển các ngành nghề đào tạo phù hợp với đỏi hỏi thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ sản xuất, phục vụ phát triển công nghiệp.
  • Xây dựng cải tiến chương trình đào tạo gắn với nhu cầu thị trường lao động.
  • Đảm bảo tuyển sinh đủ chỉ tiêu theo cơ cấu ngành nghề đăng ký. Đổi mới công tác tuyển sinh, đảm bảo chất lượng đầu vào.
  •  Xây dựng chuẩn đầu ra của đào tạo làm cơ sở đổi mới tổ chức quá trình đào tạo và đánh giá.
  •  Quy mô đào tạo của trường được ổn định khoảng 400 học sinh từ năm 2022, trong đó trung cấp, sơ cấp là chủ yếu.
  • Đa dạng hóa loại hình và hình thức đào tạo: Đào tạo tập trung tại trường và tại các đơn vị liên kết, đào tạo tại doanh nghiệp, đào tạo bồi dưỡng theo nhu cầu.
  • Đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học theo phương pháp tích hợp.

2. Chiến lược phát triển cơ sở vật chất

Mục tiêu: Tiếp tục đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quan tâm xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất của trường đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội về tổng diện tích trường, diện tích xây dựng, diện tích giảng đường/phòng học lý thuyết, thiết bị dạy nghề, phòng thí nghiệm/phòng học thực hành, ký túc xá, cơ sở văn hoá – thể thao.

Giải pháp:

  • Tu bổ nâng cấp các công trình và thiết bị kỹ thuật đảm bảo theo thiết kế.
  • Mua sắm bổ sung thiết bị dụng cụ đảm bảo các hệ thống thiết bị đồng bộ, hiệu quả cao trong đào tạo theo chuẩn của từng nghề.
  • Đầu tư trang thiết bị cho các phòng thực hành, thí nghiệm, đặc biệt chú trọng các nghề mũi nhọn. Xây dựng một số xưởng thực hành kiểu mẫu đạt chuẩn quy định.
  • Mở rộng quan hệ với doanh nghiệp nhằm khai thác chung tài nguyên.
  • Nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin tạo điều kiện cho học sinh/sinh viên tiếp cận tốt với Internet phục vụ học tập.

3. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực

Mục tiêu: Xây dựng, phát triển và chuẩn hoá đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý theo yêu cầu của từng vị trí công tác trong trường. Bảo đảm đội ngũ giáo viên chuyên sâu về lý thuyết, giỏi về thực hành, có phương pháp giảng dạy tốt, có kiến thức về tin học, ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết.

Yêu cầu về cán bộ quản lý: Có đủ năng lực chuyên môn, năng lực quản lý, trình độ tin học và tiếng Anh (hoặc tiếng Hoa) đáp ứng được yêu cầu. Đã qua công tác giảng dạy, quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp ít nhất 03 năm; có trình độ đại học chuyên ngành trở lên, đã qua bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Yêu cầu về đội ngũ giáo viên đến năm 2025:

  • Tỷ lệ giáo viên/học sinh ≥ 1/20.
  • 70% giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy tích hợp.
  • 40% giáo viên có trình độ thạc sỹ chuyên ngành.
  • 30% giáo viên có trình độ ngoại ngữ Bậc 3 hoặc tương đương.
  • 20% giáo viên kế toán, tin học của trường có thể sử dụng được hệ điều hành Tiếng Hoa.

 Giải pháp:

  •  Tiến hành rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ và mô tả chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu cho các vị trí công tác làm tiêu chuẩn để tuyển dụng, bồi dưỡng, sử dụng và đánh giá cán bộ, nhân viên.
  • Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đầu đàn cho từng nghề.
  • Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ.
  • Xây dựng quy chế đánh giá giáo viên thông qua giảng dạy và nghiên cứu, sản xuất. Xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, giáo viên.
  • Cải tiến chế độ quyền lợi cho cán bộ công nhân viên, giáo viên.

4. Chiến lược về người học

Mục tiêu: Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để học sinh phát triển toàn diện về trí tuệ, năng lực, thể chất, có tri thức và kỹ năng nghề nghiệp cao để sau khi tốt nghiệp mỗi người học có năng lực kỹ thuật vững vàng, một thể chất khoẻ mạnh, một tinh thần trong sáng, có việc làm hiệu quả. Phương châm đào tạo học sinh của trường Trung cấp Kinh tế Bình Dương “giỏi nghề, thạo ngoại ngữ”, tạo điều kiện cho các em sau khi tốt nghiệp thuận tiện trong việc tìm kiếm việc làm có thu nhập ổn định, góp phần xây dựng thương hiệu đào tạo của trường.

 Giải pháp:

  • Tăng cường công tác chăm lo, phục vụ học sinh, thực hiện công bằng trong đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh.
  • Tổ chức tốt, thường xuyên các hoạt động phong trào, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Tạo môi trường, đầu tư trang bị tạo điều kiện cho các câu lạc bộ kỹ năng hoạt động.
  • Đẩy mạnh công tác thông tin về thị trường lao động, hỗ trợ tư vấn và giới thiệu việc làm.
  • Huy động học sinh tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, nhất là các nghề thuộc khoa Điện – Điện tử.
  • Mở rộng quan hệ và đa dạng hóa cả về đối tác lẫn nội dung và hình thức hợp tác với các doanh nghiệp, nhằm thực hiện các mục tiêu chính sau:

+ Giới thiệu việc làm cho học sinh.

+ Giới thiệu cơ sở thực tập cho học sinh.

+ Tổ chức liên kết đào tạo với một số doanh nghiệp.

  • Nghiên cứu thành lập Hội Cựu học sinh Trường Trung cấp Kinh tế Bình Dương để tăng cường giáo dục truyền thống, lòng yêu nghề của tập thể thầy và trò nhà trường.

5. Chiến lược phát triển nguồn tài chính và tiền lương

Mục tiêu: Đổi mới phương thức quản lý nhằm đa dạng hóa nguồn thu, sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn lực tài chính. Đảm bảo tài chính mạnh và chủ động, thu nhập của cán bộ giáo viên cơ bản để họ an tâm công tác, cống hiến.

Giải pháp:

  • Chủ động đa dạng hóa nguồn thu từ đào tạo, dịch vụ, hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp.
  • Hoàn thiện quy chế chi tiêu nội bộ.
  • Đổi mới cơ chế, cơ cấu và phương thức phân phối tiền lương theo hướng đảm bảo công bằng và khuyến khích cán bộ, viên chức đóng góp cho sự phát triển nhà trường.
  • Chủ động tìm nguồn kinh phí ngoài nhà nước, nguồn đầu tư của các tổ chức bên ngoài.
  • Quản lý và sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn lực tài chính, đảm bảo tài chính mạnh và chủ động.
  • Tăng nguồn thu từ ngân sách nhà nước và nguồn thu sự nghiệp.

6. Chiến lược tuyển sinh của trường

Mục tiêu: Thông tin rộng rãi đến tất cả các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và nhân dân của tỉnh Bình Dương đều biết về các lĩnh vực đào tạo của Trường Trung cấp Kinh tế Bình Dương, đặc biệt là chính sách miễn học phí khi học hết lớp 9 tham gia học nghề trung cấp.

Giải pháp:

  • Ngoài tuyển sinh trực tiếp tại trường, tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố; nhà trường còn tăng cường truyền thông qua trang web và các trang mạng xã hội để quảng bá các ngành nghề đào tạo của trường.
  • Phối hợp với Báo, Đài phát thanh – Truyền hình Bình Dương, đặc biệt là Đài Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố và Đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền công tác tuyển sinh học nghề của trường.
  • Tiến hành hợp tác với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương và các doanh nghiệp chuyên về truyền thông để giúp truyền thông cho trường.
  • Thực hiện cơ chế khoán thù lao tuyển sinh.
  • Hợp tác với Khối Giáo dục nghề nghiệp của tỉnh trong việc tuyển sinh./.

 

Bài viết liên quan 9
ĐẠI HỘI ĐOÀN TNCS HCM TRƯỜNG TRUNG CẤP KINH TẾ BÌNH DƯƠNG  06-04-2022
TẦM NHÌN - SỨ MỆNH  17-07-2021
MỤC TIÊU VÀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRƯỜNG TRUNG CẤP KINH TẾ BÌNH DƯƠNG ĐẾN NĂM...  17-07-2021
Lễ trao quyết định bổ nhiệm Phó trưởng phòng công tác học sinh cho đồng chí...  25-05-2021
HỘI THAO NGÀNH LAO ĐỘNG TB&XH TỈNH BÌNH DƯƠNG 27/04/2021  12-05-2021