NHỮNG CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI CHO HỌC SINH KHI THAM GIA HỌC NGHỀ
Xác định tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi cho các đối tượng học sinh khi tham gia học nghề.
 04-05-2021  | Đoàn Thị Minh Thuận

MIỄN HỌC PHÍ

Theo Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết công tác GDNN (đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dưới 3 tháng) được Đảng, Nhà nước tập trung quan tâm thực hiện nhiều chính sách mới ưu tiên phát triển dạy nghề được hoạch định thật rõ và có lộ trình cụ thể.

Hiện nay, có 15 đối tượng được miễn học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021. Để thu hút được người học, theo quy định mới, những đối tượng được miễn học phí là người tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp, bên cạnh các đối tượng vẫn được miễn học phí trước đây như: Học sinh, sinh viên khuyết tật, thuộc hộ nghèo, học sinh, sinh viên học các ngành đặc thù. Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng đối với các ngành nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu; người học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định…

HỖ TRỢ

Bên cạnh các đối tượng được miễn học phí, nghị định cũng quy định cụ thể các đối tượng được giảm học phí ở các mức 70%, 50%; các đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập. Cụ thể, người học là phụ nữ, lao động nông thôn khi tham gia các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo dưới 3 tháng được hỗ trợ chi phí đào tạo theo quy định. Học sinh tốt nghiệp trường THCS dân tộc nội trú, trường THPT dân tộc nội trú, nội trú dân nuôi được tuyển thẳng vào học trường trung cấp, cao đẳng công lập.

Người học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật; người học là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc là người khuyết tật, có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo; học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú khi tham gia chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng được hưởng chính sách nội trú theo quy định.

TÔN VINH

Người học sau khi tốt nghiệp được hưởng các chính sách như: Được tuyển dụng vào các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang theo quy định; ưu tiên đối với những người có bằng tốt nghiệp loại giỏi trở lên. Được hưởng tiền lương theo thỏa thuận với người sử dụng lao động dựa trên vị trí việc làm, năng lực, hiệu quả làm việc nhưng không được thấp hơn mức lương cơ sở, mức lương tối thiểu hoặc mức lương khởi điểm đối với công việc hoặc chức danh có yêu cầu trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo quy định của pháp luật. Khi tốt nghiệp trình độ cao đẳng, được cấp bằng cao đẳng và công nhận danh hiệu: Cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành.

Trong quá trình học tập nếu người học đi nghĩa vụ quân sự hoặc do ốm đau, tai nạn, thai sản không đủ sức khỏe hoặc gia đình có khó khăn không thể tiếp tục học tập hoặc đi làm thì được bảo lưu kết quả học tập và được trở lại tiếp tục học tập để hoàn thành khóa học. Những kiến thức, kỹ năng mà người học tích lũy được trong quá trình làm việc và kết quả học tập đã tích lũy được trong quá trình học tập ở các trình độ được công nhận và không phải học lại khi tham gia học các chương trình đào tạo khác.

Nhà nước có chính sách đào tạo nghề nghiệp cho người lao động để đưa đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài. Trường hợp người đang học tập tại cơ sở GDNN mà đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài thì được bảo lưu kết quả học tập. Thời gian được bảo lưu 5 năm. Nhà nước khuyến khích người học tham gia các kỳ thi tay nghề…

“Với chính sách miễn giảm học phí của Nhà nước, phụ huynh có thể tham khảo thêm việc cho con em học nghề để chọn tương lai. Học hết lớp 9 đi học nghề được miễn 100% học phí, khi học nghề được học bổ túc văn hóa, học 2 năm đến 17 tuổi có được bằng trung cấp; thêm 1 năm dành trọn để ôn thi bổ túc văn hóa, đến khi 18 tuổi có 2 bằng (bằng trung cấp và bằng trung học phổ thông). Lúc đó, mấy em học trung học phổ thông mới học xong, bắt đầu thi tốt nghiệp để lấy bằng THPT và chờ xét tuyển đại học. Nếu đậu đại học thì cha mẹ lại tiếp tục vất vả lo cho con ăn học. Trong khi đó, những em học sinh được phân luồng từ lớp 9, tới khi 18 tuổi thì có thể đi làm tự mưu sinh, hoặc có thể tự lao động kiếm tiền để học tiếp đại học...”.

(Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

                                                                                                                                            PHAN THANH HÀ

 

Bài viết liên quan 41